Dịch đau mắt đỏ năm nay diễn biến phức tạp với tỷ lệ trẻ bị mắc bệnh cao
Con gái tròn 3 tuổi, chị Thu Hiền (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới bắt đầu cho con đi học mẫu giáo nhưng vừa được 1 tuần chị phát hiện mắt con bị đỏ và hơi sưng. Đi khám bác sĩ kết luận con bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp).
Tỷ lệ lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần
ThS.BS Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) năm nay diễn biến phức tạp hơn mọi năm với số người lây nhiễm cao. Đặc biệt trong môi trường có sự tiếp xúc gần như công sở, trường học thì tỷ lệ này tăng cao đột biến.
ThS.BS Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đang thăm khám cho bệnh nhân
Thống kê sơ bộ tuần đầu tháng 9 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trung bình mỗi ngày cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 9 người bị đau mắt đỏ, trong đó 50% là trẻ em dưới 5 tuổi. Đây cũng là thời gian bắt đầu vào năm học mới, trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc giữa người khoẻ mạnh và người bị đau mắt đỏ.
Đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh. Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) có thể lây qua đường giọt bắn.
Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc cấp có thể từ 1 - 2 tuần và thời gian người bệnh có thể lây cho người lành từ 2 tuần trở lên từ khi có biểu hiện bệnh.Đặc biệt một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc nhưng vẫn có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo thànhdịch trong cộng đồng.
Đặc biệt lưu ý với trẻ em dưới 5 tuổi
Theo BS Hoàng Thanh Nga, đối với điều trị viêm kết mạc cấp, điều quan trọng nhất là vệ sinh mắt, sử dụng kháng sinh kết hợp với kháng viêm và nước mắt nhân tạo sẽ rút ngắn được thời gian lành bệnh.
Đặc biệt lưu ý với trẻ em dưới 5 tuổi
Theo BS Hoàng Thanh Nga, đối với điều trị viêm kết mạc cấp, điều quan trọng nhất là vệ sinh mắt, sử dụng kháng sinh kết hợp với kháng viêm và nước mắt nhân tạo sẽ rút ngắn được thời gian lành bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ có thể tra thuốc vào các thời điểm trẻ ngủ. Kháng sinh thường phải tra khoảng 4 lần/ngày thì chọn các thời điểm như khoảng 5h sáng tra 1 lần, ngủ trưa lại tra 2lần(sau khi ngủ 1 lúc và lúc chuẩn bị ngủ dậy), và buổi tối sau khi trẻ ngủ.
Tuy nhiên quan trọng hơn là khâu phòng bệnh. Adenovirus lây truyền qua giọt bắn và tiếp xúc, do vậy cha mẹ cần giúp trẻ luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, rửa tay sau khi đi học về, nhắc trẻ không dụi tay bẩn lên mắt.
Trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ phải được cách ly tại nhà, đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng đồ dùng riêng kết hợp với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại virus xâm nhập. Hạn chế ôm ấp khi trẻ bị bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu…
Đau mắt đỏ nói chung là một bệnh tương đối lành tính và có thể tự khỏi, nhiều trường hợp chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, đúng cách là triệu chứng bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan nhất là trong diễn biến của mùa dịch năm nay. Vì vậy, ngay khi có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng của đau mắt đỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa có uy tín để phòng tránh và điều trị kịp thời.
Nguồn https://phunuvietnam.vn