Việc trang bị kỹ năng phòng ngừa điện giật cho trẻ được các bậc phụ huynh quan tâm, nhất là ở độ tuổi mầm non.
Ảnh minh họa: INT.
Tai nạn dễ xảy ra
Tai nạn do điện thường xảy ra ở mọi gia đình, khi sử dụng những đồ gia dụng. Nếu người lớn không cẩn thận và để mắt thường xuyên, trẻ em rất dễ bị điện giật.
Trẻ nhỏ nghịch ngợm đôi khi có thể cắn hay nhai dây điện, nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện hay nghịch phích cắm điện. Đó là lý do không ít trường hợp trẻ bị điện giật chấn thương, thậm chí tử vong.
Theo chuyên gia Lê Tuấn Anh - Trung tâm Điện lực Ba Đình (Hà Nội), tai nạn có thể xảy ra khi trẻ chạm tay vào các thiết bị hay dây đang bị hở khiến điện rò rỉ ra ngoài. Trẻ lấy tay, dao kéo, que sắt… chọc vào ổ điện hoặc dùng cây chọc cũng đều bị giật. Một phần, do hệ thống điện trong nhà chưa đảm bảo an toàn như ổ cắm điện không được che lại, kéo điện bằng dây trần, hay bị rò rỉ.
Bên cạnh đó, do người lớn không cẩn thận khi sử dụng xong các thiết bị điện và để tránh xa tầm tay trẻ. Ngoài ra, có thể do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng địa phương đối với việc câu móc điện, khiến dây điện hở, đứt vương xuống đường gây tai nạn cho người vướng phải.
Việc câu móc điện cũng thường xảy ra tại những nơi sản xuất tư nhân, nhiều khi gây ra những vụ tai nạn điện giật, cháy nổ thương tâm.
Cô Nguyễn Thị Trường (Trường THCS Bình Ba, Phú Thọ) lưu ý, cha mẹ cần hướng dẫn những điều cần ghi nhớ giúp trẻ phòng ngừa điện giật. Đó là tuyệt đối không được leo trèo cột điện. Khi tay còn ướt, nghiêm cấm trẻ không được chạm vào công tắc điện, bật tắt đèn... Không được tùy ý nghịch ổ cắm điện. Không được chọc tay hay bất cứ 1 đồ vật gì vào ổ cắm. Khi trời mưa có sấm sét, không được trú mưa dưới chân cột điện dễ bị sét đánh.
“Trong các nhà trường, nhất là trường mầm non, cần đưa nội dung này vào các tiết ngoại khóa. Đồng thời, cần xây dựng tình huống để giúp trẻ dễ hình dung, dễ nhớ. Thầy, cô giáo cùng cha mẹ cần phối hợp để cùng nhắc nhở, lưu ý cho trẻ nhỏ”, cô Trường nói.
Cô trò Trường Mầm non A Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội) học cách xử lý tình huống khi gặp người bị điện giật. Ảnh: Website nhà trường.
Bảo đảm an toàn cho trẻ
Ngoài việc trang bị kiến thức cho trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần cẩn thận và luôn để mắt tới các thiết bị điện trong gia đình. Bảo đảm rằng các dây điện được để tránh xa các nguồn nhiệt khác.
Hãy chắc chắn rằng đã rút phích cắm thiết bị trước khi vệ sinh. Để các vật nhỏ xa tầm tay trẻ em có xu hướng cắm chúng vào ổ cắm. Che các ổ cắm mở trong tầm tay của một đứa trẻ.
Chuyên gia Lê Tuấn Anh lưu ý, phụ huynh nên thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé. Nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện. Trẻ nhỏ rất thích thú, tò mò với các đồ điện gia dụng như lò vi sóng, quạt, ấm đun nước, đặc biệt là những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt. Vì vậy, cần lưu ý phải để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong cần cất lên cao.
Rút phích cắm, tắt công tắc các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng, cất dây sạc điện thoại khi sạc xong. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế các thiết bị đã bị cũ hỏng để đảm bảo các thiết bị điện được an toàn, không bị rò rỉ. Dùng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.
Sử dụng thiết bị ngắt điện cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa sốc điện ở những khu vực ẩm ướt. Sử dụng các loại ổ cắm và phích cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm, ổ cắm điện là chấu tiếp đất, giúp an toàn cho người sử dụng. Không cho trẻ dùng máy sấy tóc và các thiết bị điện khác trong phòng tắm. Không bao giờ sử dụng bất kỳ thiết bị điện nào gần bồn rửa, bồn tắm hoặc bất kỳ nguồn nước nào khác.
ThS Nguyễn Thị Huệ - Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, khi trẻ không may bị điện giật, cần ngay lập tức có những biện pháp sơ cứu kịp thời. Khi phát hiện trẻ bị điện giật, cha mẹ và người lớn cần lập tức ngắt nguồn điện bằng cách rút phích cắm điện, ngắt cầu dao điện. Sử dụng que gỗ hay chổi, cây nhựa tách trẻ ra khỏi nguồn điện, khi thực hiện việc này tuyệt đối không đi chân trần, ướt.
Sau đó, kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập không. Nếu nạn nhân ngừng thở và không có mạch, tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ngay như vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực. Đồng thời, sử dụng phương pháp sơ cứu bằng hà hơi thổi ngạt.
Với trẻ trên 8 tuổi, mỗi phút phải thực hiện 20 lần, trẻ em dưới 8 tuổi mỗi phút thực hiện từ 20 - 30 lần. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cơ bản, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.