Mùa đông, nhiệt độ hạ thấp, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để giữ ấm. Do đó, cha mẹ nên bảo đảm khẩu phần ăn của trẻ có 60% chất đạm trong mỗi bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng phòng ngừa các bệnh thường mắc.
Trong 3 tuần tháng 12/2023, các ca bệnh hô hấp ở trẻ có xu hướng tăng. Theo TS Phan Bích Nga - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên trẻ dễ nhạy cảm đối với sự thay đổi của thời tiết, mùa đông dễ mắc các bệnh: viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cảm cúm.
Ăn đầy đủ 4 nhóm chất chất bảo đảm dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa lạnh
"Thời tiết chuyển lạnh thì đó là thời điểm thích hợp để sản sinh mầm bệnh, virus vi khuẩn dễ khiến cho bệnh nặng thêm bởi khi cơ thể đang suy yếu thì sẽ khiến cho các các loại virus vi khuẩn có cơ hội thâm nhập, làm nặng thêm vấn đề. Đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh, trẻ dễ bị các vấn đề về dị ứng như nổi mề đay, bệnh ngoài da, các vấn đề về hen phế quản...Trẻ mệt mỏi hoặc trẻ thiếu chất dinh dưỡng cần để hệ miễn dịch tự thân của trẻ hoạt động tốt, ví dụ như đạm, các nguồn thức ăn từ đạm động vật, đậu đỗ, đạm thực vật và các vitamin quan trọng như tăng cường miễn dịch như A, C, E, D rồi các loại vi khoáng tham gia vào miễn dịch như sắt, kẽm, selen thì khi thiếu chất dinh dưỡng quan trọng đó thì sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ. Do vậy, các loại vi khuẩn, virus cơ hội sẽ dễ dàng thâm nhập khi thời tiết giao mùa, dễ khiến cho trẻ bị bệnh, khi đã bệnh rồi thì trẻ sẽ dễ diễn biến nặng và nó càng ảnh hưởng đến khả năng ăn, tiêu hóa hấp thu của trẻ, thành ra như một vòng xoắn bệnh lý".
Điển hình là bé Nguyễn Việt Huy, 4 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội bị cúm A trước đó 3 tuần. Sau một đợt điều trị tích cực, khỏi bệnh nhưng cũng chỉ được vài ngày sau thì bắt đầu bị sổ mũi, ho. Sốt ruột mẹ cho bé đi khám thì được chẩn đoán viêm phổi.
"Con lại bị ho rồi sốt. Cho uống thuốc thì hạ sốt, 2 hôm sau đỡ nhưng đến ngày thứ 3 lại sốt thì cho đi khám, con được chẩn đoán bị viêm phổi. Vì con sức đề kháng yếu nên cho nhập viện, bác sĩ vừa khám, điều trị, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho yên tâm" - Mẹ bé chia sẻ.
Đối với những trường hợp như bé Nguyễn Việt Huy, các chuyên gia y tế khuyên, một khẩu phần ăn lành mạnh và cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng của trẻ để phòng cũng như là rút ngắn thời gian trẻ bị những bệnh nhiễm khuẩn trong mùa lạnh.
TS.BS Phan Bích Nga cho biết, có 4 nhóm chất cần thiết: Thứ nhất là chất đường bột bao gồm cơm, mì, bún, phở; Thứ hai là nhóm cung cấp chất đạm đến từ đạm động vật (mỗi bữa ăn của trẻ đảm bảo không được ít hơn 60% đạm động vật đến từ thịt cá tôm trứng sữa), còn lại là đạm thực vật như là đậu đỗ; Thứ 3 là chất béo gồm dầu mỡ; Thứ 4 là nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ để có sức đề kháng tốt
"Phải bảo đảm đủ nhóm chất xơ gồm vitamin và khoáng chất thì trẻ mới tiêu hóa tốt, mới bảo đảm được sức khỏe, trẻ mới hoạt bát, vui vẻ. Và, việc kết hợp đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng rất cần thiết. Khuyến nghị một ngày trẻ nên có tối thiểu 10-12 loại thực phẩm, vì vậy cha mẹ nên chế biến món ăn phối hợp nhiều loại như salad, nộm, các món xào. Các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch như A, C, D, E, selen đa số đều đến từ các vitamin tan trong dầu nên lượng chất béo từ dầu mỡ, phải có từ các món ăn xào rán trong khẩu phần của trẻ cũng rất quan trọng" - TS Phan Bích Nga nhấn mạnh.
Về chất đạm động vật, có thể tính trung bình trẻ cần cung cấp 2gr chất đạm/kg cân nặng mỗi ngày. Lưu ý là 2gr chất đạm ở đây là protein, trong 2gr thịt nạc sẽ có 18-20gr protein.
Ngoài 3 bữa chính trong ngày thì trẻ em nên ăn tối thiểu 1-2 bữa phụ. Uống đủ nước vào mùa đông cũng giúp trẻ phòng ngừa và giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.
"Để cho trẻ tiêu hóa được hết thức ăn trong khẩu phần thì trẻ cần uống đủ nước. Và đồng thời nước còn là yếu tố quan trọng giúp cho tim hoạt động hiệu quả và chuyển ôxy trong máu đi nuôi cơ thể. Đồng thời trong quá trình bài tiết thức ăn qua phân hay nước tiểu thì nước chính là giúp cơ thể thải được độc tố tốt. Và thiếu nước thì đó là nguyên nhân gây táo bón, chất bã chất độc đào thải qua phân, không đào thải được thì sẽ thấm ngược trở lại, gây chất độc qua máu, rối loạn chuyển hóa và kích thích vào đầu mút của thần kinh, gây ra trạng thái bứt rứt khó chịu, kém ngủ".
Trong phòng và điều trị viêm đường hô hấp thì uống đủ nước còn giúp trẻ giảm triệu chứng ho, làm loãng dịch ứ nhày bị ứ đọng, giúp dịch đờm thoát ra ngoài dễ dàng, làm sạch họng.
Theo Afamily.vn
Theo VOV