Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, buông tay không phải là bỏ mặc đứa trẻ tự làm tất cả mọi thứ mà phải là dạy con độc lập.
Buông tay để con tự lập, không phải là bỏ mặc. Ảnh minh họa.
Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh Chánh Văn của nhiều bạn trẻ, chia sẻ quan điểm về việc cha mẹ buông tay để con tự lập.
Cho con thỏa sức nhưng trong khuôn khổ
Tôi nghĩ buông tay không phải là bỏ mặc đứa trẻ tự làm tất cả mọi thứ. Mà phải là dạy con độc lập. Đó là độc lập trong cuộc sống, độc lập trong sinh hoạt và độc lập trong suy nghĩ. Mà thứ đó, sự độc lập, chính các cha mẹ cũng phải học.
Phong trào dạy con tự lập đang là mốt của nhiều bậc cha mẹ. Những cuốn sách dạy con tự lập bùng nổ ngoài hiệu sách.
Người ta dạy con tự lập theo mẹ Nhật, mẹ Pháp, mẹ Mỹ, mẹ Do Thái. Tôi không phủ nhận rằng những cuốn sách đó không “bổ dọc thì cũng bổ ngang”. Cha mẹ chịu đọc thì những người viết sách, dịch sách, bán sách như chúng tôi cũng thêm được tiền nuôi con. Nhưng những cuốn sách đó sẽ chẳng có giá trị mấy với mẹ Việt dạy con đâu khi mà xung quanh các con còn rất nhiều người Việt ỷ lại, “làm gương” cho các con thấy tự lập giống bỏ mặc con cái.
Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ được dạy về tự lập bằng cách bố mẹ thờ ơ khi con làm sai. Đứa trẻ có thể đứng dậy như mong đợi của bố mẹ nhưng đôi mắt ngân ngấn nước vì tủi thân thì chẳng thấy bố mẹ lau giùm. Thậm chí còn quát “Có tí thế mà cũng khóc. Đàn ông con trai gì mà mít ướt thế?”.
Thứ đứa trẻ học được về tự lập chỉ là những tủi thân giấu kín trong lòng. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu cha mẹ hiểu được những tủi thân của con chắc nơi tôi công tác trước đây không cần đến Chánh Văn để mỗi ngày nhận cả tạ thư đầy những câu hỏi: Bố mẹ không thương em anh Chánh Văn ơi!
Như chuyện chào hỏi mà chúng ta dùng nó để “định giá” một đứa trẻ lễ phép hay không? Một đứa trẻ nếu chào hỏi chỉ để bố mẹ vui lòng, bố mẹ không quắc mắt quát mình, bố mẹ hân hoan vì con mình lễ phép thì đó đã phải là một đứa trẻ độc lập chưa? Hay nó chỉ là một đứa trẻ nhìn cơ mặt của cha mẹ mà sống?
Vẫn biết có những thứ thuộc về nguyên tắc lịch sự mà chúng ta cần phải dạy trẻ nhưng một khi dạy trước quên sau như thế thì thường là bởi đứa trẻ đang phải đối phó với cha mẹ chứ không phải chúng đã học và hiểu. Một đứa trẻ độc lập là đứa trẻ nhận thức được việc chào hỏi đó là nguyên tắc lịch sự tối thiểu chứ không phải vì sợ bố mẹ mắng.
Hẳn sẽ nhiều người bĩu môi với tôi rằng đứa trẻ độc lập mà tôi nói tới phải là đứa trẻ 30 tuổi rồi. Thậm chí là hơn vì nhiều người 30 tuổi vẫn cưới chồng, cưới vợ theo ý bố mẹ.
Không! Tôi không nghĩ thế đâu. Việc dạy một đứa trẻ độc lập vốn chỉ cần sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho chúng. Như việc chúng muốn mặc chiếc áo lông cừu phát ngốt khi đi ngủ thì sao không là đồng ý với chúng và coi như đó là một ý tưởng hay để dạy đứa trẻ về không chỉ đó là một kết quả tồi khiến con nóng phát ngốt nên không ngủ nổi mà còn là bài học về trách nhiệm. Là con phải chịu trách nhiệm với điều đó và con sẽ phải tự giải quyết điều đó. Bố mẹ sẽ tư vấn thêm cho con những lựa chọn tốt hơn.
Một đứa trẻ độc lập là một đứa trẻ mà cha mẹ đừng cắt cụt đôi cánh sáng tạo bay bổng của chúng. Trên nền tảng là những nguyên tắc mà cha mẹ lẫn con cái cùng phải thực thi. Nó phải hội tụ đầy đủ 2 vế đó. Cho con thỏa sức nhưng trong khuôn khổ - Nguyên tắc đặt ra là cho cả con cái lẫn bố mẹ.
Chúng ta không thể dạy con nguyên tắc 9 giờ tối đi ngủ để đảm bảo sức khoẻ trong khi chính chúng ta thức trắng đêm xem một bộ phim ngôn tình hay một trận bóng. Nguyên tắc đặt ra 9 giờ con đi ngủ thì cũng phải có nguyên tắc bố mẹ sẽ đi ngủ vào giờ thích hợp. Nếu bố mẹ ngủ muộn hơn thì đó là lý do hợp lý và cả con cũng có thể ngủ muộn hơn nếu con đưa ra lý do hợp lý.
Hãy để việc dạy con trở thành học cùng con
Sự tôn trọng và bình quyền, bình đẳng trong gia đình chính là cách dạy con độc lập.
Dạy trẻ tự lập, tốt thôi, nhưng dạy trẻ độc lập tốt hơn. Là đứa trẻ cảm thấy được cha mẹ tiếp nhận, lắng nghe chúng chứ không phải cái gì cũng là bắt ép chúng, yêu cầu chúng, đòi hỏi chúng. Vì tự lập có nghĩa là con phải tự làm cái này, con phải tự làm cái kia, con không được ỷ lại, con không được vi phạm.
Còn độc lập là con sẽ làm, con muốn làm, con quyết định, con tự chịu trách nhiệm. Và quan trọng hơn cả, con sẽ thấy chính bố mẹ cũng đang như thế, như con. Chứ không phải “Tao là bố mày tao làm gì cũng được. Mày là con tao mày phải tuân lệnh. Cá không ăn muối cá ươn - con không nghe mẹ trăm đường con hư”.
Không! Là bởi chúng ta đâu phải là thánh để nói gì cũng phải, làm gì cũng đúng, dạy gì cũng không sai? Chúng ta quá nhiều thiếu sót và lỗi sai đấy chứ! Hãy để việc dạy con trở thành học cùng con. Để bố mẹ cũng cần phải sửa sai, xin lỗi con và muốn học từ con.
Và cuối cùng, dạy con trở thành một đứa trẻ độc lập có thể khiến cha mẹ không vui đâu đấy. Vì đứa con độc lập có thể khiến cha mẹ… tủi thân. Như bản thân tôi, nhiều lần, bị con từ chối giúp đỡ khi chúng muốn thử khả năng của chúng. Nhưng bù lại, tôi cảm thấy hạnh phúc lây với mỗi khi chúng hoàn thành thử thách. Nhìn cái cách chúng hạnh phúc, là bố mẹ, thật sự tôi hạnh phúc lây. Vì thế, buông tay để con tự lập, không phải là bỏ mặc để chúng “muốn làm gì thì làm”.
Tùng Bách(Ghi)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dung-nham-giua-buong-tay-va-bo-mac-khi-day-tre-tu-lap-post610297.html